Liên kết web
Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh Một cửa điện tử
 
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia

Tin tức|Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Thứ sáu, 04/03/2022, 22:41
Màu chữ Cỡ chữ
Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (gọi tắt là Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia).

Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Phát triển nền tảng số quốc gia để tối đa hóa lợi ích do công nghệ mang lại đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro mà công nghệ có thể gây ra cho xã hội và người dân.

Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia đặt ra 3 mục tiêu gồm: Thứ nhất, hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thứ hai, tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia làm nòng cốt để hình thành mạng lưới các nhà phát triển nền tảng số Việt Nam và mạng lưới hỗ trợ triển khai nền tảng số đông đảo, rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ ba, tạo lập được một số nền tảng số Việt Nam xuất sắc đủ sức cạnh tranh với các nền tảng số phổ biến quốc tế, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, từ đó vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gồm 35 nền tảng. Trong đó có 20 nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội. Các nền tảng này gồm: Điện toán đám mây Chính phủ; địa chỉ số; bản đồ số; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; nền tảng dạy học trực tuyến; nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (Moocs); nền tảng hóa đơn điện tử; nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng trạm y tế xã; nền tảng phát thanh số (trực tuyến); nền tảng truyền hình số; nền tảng bảo tàng số; nền tảng khảo sát, thu thập ý kiếm người dân.

15 nền tảng số quốc gia còn lại do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội gồm: Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp; nền tảng trí tuệ nhân tạo; nền tảng thiết bị IoT; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới; nền tảng mạng xã hội thế hệ mới; nền tảng sàn thương mại điện tử; nền tảng đại học số; nền tảng quản trị tổng thể; nền tảng kế toán dịch vụ; nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải; nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); nền tảng trung tâm giám sát và điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); nền tảng trợ lý ảo; nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Chương trình cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai, bao gồm: Lập kế hoạch hành động phát triển nền tảng số quốc gia; Triển khai phát triển và thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia; Tổ chức đánh giá, công nhận và công bố đạt yêu cầu nền tảng số quốc gia; Thông tin, tuyên truyền, phổ biến nền tảng số quốc gia; Xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số quốc gia.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các lãnh đạo Bộ và cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, hội và hiệp hội nghề nghiệp tham gia triển khai Chương trình để phát triển các nền tảng số quốc gia.

Số lượt xem: 177

svhttttdl.baclieu.gov.vn

 
©CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LỢI
Đơn vị quản lý: Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lợi
Chịu trách nhiệm chính: Phạm Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi
Biên tập: Trần Minh Tùng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Lợi
Địa chỉ: Ấp Xẻo Chích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0291.3735111 Fax: 0291.3735020 Email: ubndhvl@baclieu.gov.vn