Những năm gần đây, việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Hưng A có cuộc sống ổn định, việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiêu biểu trong số đó là gia đình ông Trần Văn Bảo, ngụ ấp Mỹ Trinh, với mô hình trồng mít Thái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vốn là nông dân, đã quen với cây cỏ, mảnh vườn nên ông Bảo luôn suy nghĩ về kế hoạch phát triển kinh tế gia đình. Với bản chất cần cù, siêng năng, luôn chí thú làm ăn và không ngừng học hỏi, tìm kiếm các mô hình sản xuất mới. Ban đầu ông đã cải tạo 2 công đất ruộng để lên liếp trồng xoài, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2006, tình cờ đọc báo thấy mô hình trồng mít Thái ở tỉnh Bến Tre mang lại kinh tế cao, nên ông quyết định phá bỏ vườn xoài để chuyển sang trồng cây mít Thái. Nghĩ là làm, ông Bảo tìm đến Bến Tre để mua 200 cây giống về trồng trên diện tích hơn 1.000 mét vuông. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ người quen và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc từ báo chí, vườn mít của ông Bảo phát triển tươi tốt, sau 2 năm, 200 cây mít Thái đều cho nhiều trái. Thời điểm này giá mít tương đối ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Khi được hỏi về kỹ thuật canh tác cây mít, ông Bảo vui vẻ chia sẻ: “Giống mít Thái với nhiều ưu điểm như trái to, dày cơm, ăn ngọt, thơm giòn, tuổi thọ của mít rất ngắn, vì vậy muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây, phải thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành hư. Trung bình 10 - 15 ngày phun thuốc 1 lần cho mít nhằm phòng trừ sâu hại và tăng cường thuốc dưỡng để trái phát triển tốt. Hơn nữa với đặc tính cho trái rất sớm, mít Thái trồng sau 2 năm đã cho trái và đậu trái quanh năm. Mặc dù trái ra nhiều nhưng cần tỉa bỏ chỉ để 2 – 3 trái cho cây không mất sức và trái to”.
Mới đây, ông Bảo đã cải tạo đất để lên liếp trồng thêm 150 cây mít Thái. Hiện tại, mô hình mít Thái của gia đình ông đã cho thu nhập ổn định quanh năm, với 350 cây mít trên diện tích 4.000 mét vuông đất trồng lúa. Nhờ giá cả ổn định từ 15.000 - 20.000 đồng/kg mà trong năm qua, nguồn thu nhập từ tiền bán mít trái của gia đình trên 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bảo còn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào ở địa phương. Nhiều năm liền ông được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Nhận xét về ông, ông Trương Việt Em, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Mỹ Trinh cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trần Văn Bảo còn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Bên cạnh đó, gia đình ông Bảo còn sống rất chan hòa, tình nghĩa với bà con, hàng xóm xung quanh. Ai có khó khăn gì ông cũng sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ nên được nhiều bà con trong ấp tin yêu quý mến”.
Có thể nói, cây mít Thái đang là loại cây trồng phổ biến, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Với hiệu quả kinh tế từ cây mít Thái mang lại, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hưng A sẽ vận động người dân chuyển đổi đất vườn tạp và cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao để tăng thu nhập cho bà con, nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi./.
Vĩnh Cường
Đài truyền thanh huyện