Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, song song với việc tập trung huy động nguồn vốn hoạt động, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Lợi đã xây dựng mô hình và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để ngày càng đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với người dân. Hoạt động tín dụng chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống hộ gia đình và tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Vĩnh Lợi triển khai hiệu quả hơn việc huy động vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay trong giai đoạn mới, thực hiện bứt phá các mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.

Quang cảnh Phòng giao dịch NHCSXH huyện
Giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa các chính sách tín dụng đến gần với nhân dân, trong 20 năm qua, mô hình tổ chức của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Lợi được quan tâm tổ chức và dần hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương và phát huy hiệu quả, huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Điểm giao dịch xã được đánh giá là mô hình hoạt động gần dân và trở thành điểm sáng trong hoạt động của ngân hàng. Đến nay, toàn huyện các Điểm giao dịch của ngân hàng đã được mở rộng đến 8/8 xã, thị trấn, việc giao dịch được thực hiện theo ngày cố định nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay.
Tại các Điểm giao dịch xã, ngân hàng đã công khai các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi Nhà nước, các quy trình thủ tục, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ, số lãi còn phải trả của từng người vay, số dư tiền gửi tiết kiệm và nội quy giao dịch… tạo điều kiện để chính quyền địa phương, các tổ chức hội và người dân cùng giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
Cùng với việc triển khai hệ thống Điểm giao dịch đến tận các xã, thị trấn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã xây dựng được 262 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 11.000 thành viên tại các ấp. Với sự hỗ trợ của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các thủ tục vay vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, tiết giảm chi phí. Đặc biệt, trong quá trình đưa tín dụng chính sách đến với người vay, có vai trò rất quan trọng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, họ là những người nhiệt tình, trách nhiệm, gần nhân nhân, luôn sát cánh cùng tổ viên trong quá trình sử dụng vốn.
Điển hình như bà Trần Thị Lệ - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng A đã có gần 20 năm gắn bó với công việc, là chiếc “cầu nối” giữa ngân hàng và người dân, tạo điều kiện để các hộ nghèo, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay, sử dụng hiệu quả để nâng cao đời sống, có thu nhập vươn lên thoát nghèo.
Trong 20 năm qua, với vai trò Tổ trưởng, bà đã giúp gần 40 hộ vay vốn thoát nghèo, vươn lên khá giàu, giúp gần 30 hộ cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương. Hiện nay, tổ vay vốn của bà có 56 hộ vay với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Hàng tháng, bà luôn tổ chức họp tổ viên để bình xét giúp các hộ có nhu cầu vay làm ăn hợp lý được tiếp cận nguồn vốn, hướng dẫn và động viên tổ viên sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm và trả nợ gốc theo đúng thời hạn quy định.
Theo bà Trần Thị Lệ, người Tổ trưởng có vai trò rất quan trọng vì phải tìm được người cần vốn vay và phải có chí hướng làm ăn thì việc xét vay mới có hiệu quả. Song song đó, Tổ trưởng phải là người gần gũi, đồng hành với người dân trong việc thường xuyên giám sát, đôn đốc việc sử dụng nguồn vốn vay, tích cực vận động hộ vay hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy cho gia đình để nhẹ lo khi đến hạn trả nợ gốc.