Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng, nhưng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vĩnh Lợi đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho huyện nhà.
Thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội nói chung và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vĩnh Lợi nói riêng vẫn tiếp tục truyền tải nguồn vốn chính sách tín dụng góp phần thực hiện giảm nghèo của địa phương, cơ sở.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác dần nâng cao chất lượng cuộc sống (giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội...). Ổn định, Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm) đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã và đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ. Đến ngày 24/12/2021, tổng dư nợ đạt trên 317 tỷ đồng với gần 11.500 khách hàng đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng chính sách để tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống.
Nguồn vốn chủ yếu cho vay các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh tạo sinh kế, tạo việc làm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội như chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất,… Trong tổng dư nợ có trên 99% dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách trọng tâm của Chính phủ: Chương trình cho vay hộ nghèo, chiếm 5,3% tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện; Chương trình cho vay hộ cận nghèo, chiếm 32,7% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, chiếm 17,2% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chiếm 11,9% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chiếm 10,1% dư nợ; Chương trình cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chiếm 4,4% tổng dư nợ; Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chiếm 14,3% tổng dư nợ; Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở, chiếm 3,1% tổng dư nợ; Chương trình cho vay dân tộc thiểu số nghèo, chiếm 0,3% tổng dư nợ; Chương trình cho vay nhà ở xã hội, chiếm 0,1% tổng dư nợ.
Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến những hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn coi trọng và tập trung vào việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, làm tốt công tác thu nợ để tiếp tục tạo lập nguồn vốn cho vay mới; đồng thời, duy trì nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phát huy được hiệu quả ngày càng cao hơn. Đến 24/12/2021, tổng nợ quá hạn 1.539 triệu đồng, chiếm 0,48% tổng dư nợ.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, hàng năm Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động tham mưu cho Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội các cấp phân bổ nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội hàng năm kịp thời; đồng thời, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, bình xét đúng đối tượng cho vay, lập và hoàn thiện hồ sơ cho vay kịp thời. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay, tình hình sử dụng vốn vay của tổ viên các tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện thường xuyên.
Những năm qua, công tác ủy thác một số nội dung công việc qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), đã tập hợp được lực lượng lớn mạnh từ huyện đến ấp. Đặc biệt là sự tham gia của đội ngũ cán bộ Ban Quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần nâng cao hiệu quả chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, toàn huyện có 259 tổ tiết kiệm và vay vốn đang duy trì hoạt động.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách Xã hội huyện Vĩnh Lợi sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị nhận uỷ thác tập trung tăng cường kiểm tra chất lượng dư nợ tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn, tổ chức giải ngân kịp thời, đúng đối tượng đầu tư…, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay trong việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân./.
Phạm Ánh Nguyệt
Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện