NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG VIỆC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA LỚP 1 MỚI
Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo,năm học 2020-2021, là năm học đầu tiên học sinh các trường tiểu học trên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.
Trong đó, 4 bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản giáo dục biên soạn là: Bộ sách “Chân trời sáng tạo”, Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, Bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”; Bộ sách giáo khoa lớp 1 thứ 5 là bộ sách “Cánh Diều” do Nhà xuất bản Đại Học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh biên soạn.
Huyện Vĩnh Lợi có trên 1.500 học sinh lớp 1, thuộc 13 trường tiểu học, với 100% học sinh lớp 1 đều được học chương trình sách giáo khoa mới theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành, do đó Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai đồng bộ từ khi mới bắt đầu triển khai đến khâu thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, để cha mẹ học sinh và cộng đồng đồng thuận với các chủ trương đổi mới về giáo dục; trong đó, chú trọng đến công tác chọn lựa bộ sách giáo khoa lớp 1 để phục vụ cho năm học 2020-2021. Năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1.
Việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào để giảng dạy là do nhà trường tự quyết định và chịu trách nhiệm theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020, cụ thể: các trường tiểu học đều thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa đúng quy trình từ giáo viên, tổ chuyên môn đến Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; sau khi Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thống nhất, sẽ đề xuất với Hiệu trưởng về danh mục sách giáo khoa đã được lựa chọn để sử dụng trong nhà trường. Sau khi tổ chức lựa chọn, tất cả 13/13 trường tiểu học trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi đều lựa chọn và sử dụng bộ sách “Cánh Diều” để giảng dạy cho năm học 2020 - 2021.
Qua hơn 4 tháng triển khai thực hiện, Chương trình sách giáo khoa mới đã thể hiện được nhiều điểm tích cực; các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp thời khóa biểu đối với các môn học ở lớp 1 và thực hiện chương trình các môn học theo đúng kế hoạch thời gian năm học. Giáo viên xây dựng được kế hoạch bài dạy theo yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa mới. Một số giáo viên đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học môn toán, tiếng Việt, tự nhiên xã hội. Hoạt động giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm được giáo viên thực hiện đạt hiệu quả cao hơn năm học trước, học sinh đã được giáo viên cho tham gia thực hiện một số hoạt động từ đơn giản đến phức tạp để phát triển năng lực, phẩm chất.
Bên cạnh những ưu điểm, việc thực hiện dạy và học chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới vẫn còn một số khó khăn nhất định, cụ thể:
- Công tác tổ chức triển khai, tập huấn đại trà Chương trình sách giáo khoa lớp 1 cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên trực tiếp giảng dạy đôi lúc chưa kịp thời, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện.
- Do là năm đầu thực hiện, nên trong sách giáo khoa cũng còn có những điểm chưa thật sự hợp lí. Vì vậy, ngành giáo dục vừa thực hiện, vừa điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và mục tiêu giáo dục đề ra.
- Khi tổ chức các hoạt động dạy học, giáo viên gặp một số khó khăn nhất định như chưa có trang thiết bị, đồ dùng đầy đủ phục vụ cho tiết dạy. Do đó, để đảm bảo cho các hoạt động dạy học đạt hiệu quả, giáo viên phải chuẩn bị nhiều đồ dùng dạy học, nên mất rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị.
Song, với vai trò chủ động của các trường trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục, đội ngũ nhà giáo và điều kiện cơ sở vật chất của từng đơn vị; nhà trường đã hướng dẫn, chỉ đạo giáo viên dạy lớp 1 căn cứ nội dung sách giáo khoa, sách giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với khả năng nhận thức, kỹ năng đọc, viết của học sinh lớp mình, không để xảy ra hiện tượng dạy quá tải, đưa kiến thức nâng cao ngoài sách giáo khoa vào giảng dạy gây khó khăn cho học sinh. Mặt khác, Ngành cũng chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên lớp 1; tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và làm đồ dùng dạy học để đáp ứng yêu cầu hoạt động dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là kết quả ban đầu, chặng đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn cho việc thực hiện ở các lớp khác; tin rằng, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị; với sự quyết tâm cao của ngành giáo dục, trong thời gian tới và những năm tiếp theo sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.